ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG, CẬN LÂM SÀNG CỦA TỔN THƯƠNG HỆ TIÊU HÓA Ở BỆNH NHÂN XƠ CỨNG BÌ HỆ THỐNG
DOI:
https://doi.org/10.56320/tcdlhvn.40.98Từ khóa:
xơ cứng bì hệ thống, tổn thương hệ tiêu hóa, trào ngược dạ dày thực quản, nội soi thực quản – dạ dày – tá tràngTóm tắt
Mục tiêu: Khảo sát đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của tổn thương hệ tiêu hóa ở bệnh nhân xơ cứng bì hệ thống và các yếu tố liên quan.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 128 bệnh nhân xơ cứng bì hệ thống đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương từ tháng 8/2022 đến tháng 6/2023.
Kết quả: BMI trung bình của các bệnh nhân trong nghiên cứu là 20,2 ± 2,6 kg/m2 với tỷ lệ nhẹ cân/suy dinh dưỡng là 23,4%. 90,6% bệnh nhân có biểu hiện tổn thương hệ tiêu hóa. Tỷ lệ trào ngược dạ dày thực quản là 69,5% và nuốt nghẹn, nuốt khó là 57,8%. Nhóm XCBHT thể lan tỏa có tỷ lệ khó há miệng, hội chứng trào ngược điển hình, cảm giác no sớm và đau thượng vị cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm XCBHT thể giới hạn. Có mối liên quan giữa đặc điểm lâm sàng tổn thương hệ tiêu hóa với thời gian mắc bệnh và thuốc điều trị (p < 0,05). 30,5% bệnh nhân có triệu chứng đường tiêu hóa dưới, thường gặp nhất là mót rặn (17,2%) và táo bón (14,1%). Trên nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng, tổn thương thường gặp nhất là viêm dạ dày (100%), viêm thực quản trào ngược (27,3%), viêm loét hành tá tràng (9,1%) và nấm Candida thực quản (4,5%).
Kết luận: Triệu chứng tiêu hóa thường gặp nhất là hội chứng trào ngược dạ dày thực quản điển hình. Có mối liên quan giữa đặc điểm lâm sàng tổn thương hệ tiêu hóa với thể bệnh XCBHT, thời gian mắc bệnh và thuốc điều trị. Cần thiết phải kết hợp lâm sàng và nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời các tổn thương tiêu hóa ở bệnh nhân xơ cứng bì hệ thống.
Ngày nhận bài: 28/06/2023
Ngày phản biện: 10/07/2023
Ngày chấp nhận đăng: 15/07/2023