CHẨN ĐOÁN RỤNG TÓC TỪNG MẢNG BẰNG DERMOSCOPY
DOI:
https://doi.org/10.56320/tcdlhvn.v35i.4Từ khóa:
rụng tóc từng mảng (RTTM), dermoscopyTóm tắt
Mục tiêu: Xác định mối liên quan giữa đặc điểm lâm sàng và hình ảnh Dermoscopy của rụng tóc từng mảng (RTTM).
Đối tượng và phương pháp: Đây là nghiên cứu mô tả cắt ngang của 86 bệnh nhân RTTM tại Bệnh viện Da liễu Trung ương từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2021.
Kết quả: Về thể lâm sàng, 95,3% là RTTM thể từng đám, RTTM thể rắn bò chiếm 3,5%, 1 bệnh nhân rụng tóc toàn thể, không có bệnh nhân rụng tóc toàn phần. Rụng tóc mức độ nhẹ chiếm 91,9%. Test kéo tóc dương tính 9/86 bệnh nhân. Các đặc điểm trên dermoscopy cho thấy tỉ lệ gặp của chấm vàng, chấm đen, tóc gãy, tóc tơ ngắn chiếm trên 50%, tóc chấm than và tóc mọc lại cùng ghi nhận tỉ lệ 39,5%, tóc cuộn vòng chiếm 8,1%.
Kết quả khi đánh giá mối liên quan giữa thể lâm sàng và hình ảnh dermoscopy ghi nhận tỉ lệ chấm vàng, chấm đen, tóc mọc lại trong thể từng đám là cao nhất chiếm 58,5%; 62,1%; 40,2%. Các đặc điểm khác là tóc gãy, tóc chấm than, tóc tơ ngắn, tóc cuộn vòng ghi nhận trong RTTM thể rắn bò là cao nhất, tuy nhiên ngoại trừ thể từng đám, các thể khác trong nghiên cứu đều quá nhỏ nên kết quả nghiên cứu không đại diện cho quần thể.
Về mối liên quan giữa dermoscopy với mức độ nặng của RTTM (theo SALT), Nghiên cứu ghi nhận tỉ lệ chấm vàng, chấm đen, tóc gãy, tóc chấm than từ S1 tới S4a có tỉ lệ thuận với mức độ nặng (p > 0,05).
Mức độ hoạt động bệnh được đánh giá bằng test kéo tóc tại thời điểm bệnh nhân đến khám. Sự xuất hiện của chấm đen ở mức độ hoạt động và không hoạt động của bệnh là có ý nghĩa thống kê với p = 0,009. Nghiên cứu ghi nhận tỉ lệ xuất hiện chấm vàng, chấm đen, tóc gãy, tóc chấm than, tóc tơ ngắn của nhóm hoạt động cao hơn nhóm không hoạt động.
Kết luận:
Dermoscopy là kĩ thuật an toàn và có ý nghĩa trong chẩn đoán RTTM. Nghiên cứu cho thấy không có mối liên quan giữa đặc điểm Dermoscopy với thể lâm sàng và mức độ nặng, đặc biệt là RTTM thể từng đám mức độ nhẹ. Sự xuất hiện của chấm đen là một dấu hiệu cho thấy bệnh đang trong giai đoạn hoạt động.
Thời gian nhận bài: 10/02/2022Ngày phản biện: 28/02/2022
Ngày được chấp nhận: 09/03/2022