XÁC ĐỊNH TÁC NHÂN NHIỄM TRÙNG LÂY TRUYỀN QUA ĐƯỜNG TÌNH DỤC BẰNG XÉT NGHIỆM LAI PHÂN TỬ
DOI:
https://doi.org/10.56320/tcdlhvn.40.104Keywords:
Bệnh lây truyền qua đường tình dục, lai phân tử, 11 tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường tình dục.Abstract
Đặt vấn đề: Xác định các tác nhân gây nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD) bằng xét nghiệm lai phân tử dựa trên phản ứng khuyếch đại nucleic acid là một phương pháp có độ nhạy, độ đặc hiệu cao và thời gian trả kết quả nhanh.
Mục tiêu: Xác định tỷ lệ dương tính với 11 tác nhân gây nhiễm trùng LTQĐTD bằng XN lai phân tử và phân tích tỷ lệ đồng nhiễm một số tác nhân tại Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 752 bệnh nhân đến khám và làm xét nghiệm tại Bệnh viện Da liễu Trung ương từ tháng 09/2017 đến tháng 09/2018. Chương trình SPSS 16.0 được sử dụng để phân tích số liệu.
Kết quả: Trong số 752 bệnh nhân được làm xét nghiệm lai phân tử có 12,5% dương tính với Ureaplasma urealyticum(UU)/ Ureplasma parvum(UP), 10,1% dương tính với HPV type 6/11 và 9,6% với Chlamydia trachomatis. Tỷ lệ nhiễm Mycoplasma genitalium ở nam cao hơn nữ (p<0,05), tỷ lệ nhiễm UU/UP và Mycoplasma hominis ở nữ cao hơn nam (p<0,05). Trong số 479 bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng, 19% bệnh nhân có kết quả dương tính với UU/UP; 10,6% dương tính với Chlamydia trachomatis. Trong số 36,3% bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng được làm XN, có 11% dương tính với HPV 6/11; 8,4% dương tính với UU/UP. Có 41,1% dương tính với ít nhất một tác nhân trong đó có 75,4% dương tính với 1 tác nhân duy nhất; 20,1% dương tính với 2 tác nhân; 3,9% dương tính với 3 tác nhân và chỉ 0,6% dương tính cùng lúc với 4 tác nhân. Tỷ lệ đồng nhiễm Mycoplasma hominis và UU/UP là 2,5%, Chlasmydia trachomatis và UU/UP là 2,5%.
Kết luận: Kết quả nghiên cứu cho thấy: trong số 36,3% bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng được làm XN có tới 11% dương tính với HPV 6/11; 8,4% dương tính với UU/UP. Ở nhóm bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng thì tỷ lệ dương tính với UU/UP là cao nhất (19%).
Thời gian nhận bài: 13/03/2023
Thời gian phản biện: 10/04/2023
Ngày được chấp nhận: 20/04/2023